Vậy là chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kì thi THPT QUỐC GIA 2017- Xét tuyển các trường Đại học,Cao đẳng sẽ chính thức diễn ra trên cả nước. Đây là kì thi quan trọng, quyết định tới cánh cửa Đại học, tương lai hay ngành nghề sau này của mỗi học sinh. Vì thế khoảng thời gian gần cuối này chính là khoảng thời gian cam go và gấp rút nhất để các học sinh lớp 12 niên khoá 2014-2017 tích cực ôn luyện và kịp thời bổ sung những kiến thức còn trống rỗng.
Để rèn luyện kĩ năng làm bài thi cần thiết cho kì thi quan trọng này sẽ diễn ra vào tháng 6, mới đây ngày 20/3/2016, sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội đã tổ chức kì thí thử đại học ở tất cả các môn thi cho các thí sinh. Kết quả các bài thi cũng đã được công bố. Ban truyền thông trường THPT ĐÀO DUY TỪ đã có cuộc phỏng vấn nhanh với các bạn học sinh lớp 12 đạt được kết quả cao trong kì thi thử vừa rồi để lắng nghe chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi các bộ môn xã hội: Văn- Sử- Địa- GDCD. Mời các bạn cùng theo dõi:
Bạn Nguyễn Ngọc Anh – Học Sinh lớp 12D0
Để ôn luyện môn Văn cho kì thi đại học, theo mình không quá khó nếu các bạn xây dựng một cách ôn khoa học. Đầu tiên các bạn phải nắm vững cấu trúc đề thi văn gồm hai phần: Nghị luận xã hội và Nghị văn học. Từ đó lập kế hoạch ôn tập bám sát đề thi đó.
Phần Nghị luận xã hội, cần tìm hiểu và nắm bắt kịp thời các tin tức nổi bật có tính thời sự trên báo đài, rút ra những vấn đề nóng hổi và tìm hiểu kĩ về nó qua mạng internet hoặc sách báo. Ngoài ra nên đọc thêm những cuốn sách như “Hạt giống tâm hồn” hoặc xem chương trình “Quà tặng cuộc sống”.. để có thêm những tư liệu về kiến thức xã hội. Một điều nữa để ăn điểm khi làm dạng này, các bạn cần trang bị cho mình một cuốn sổ tay để ghi chép các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu đối, câu hát, câu nói về các vấn đề khác nhau; trong quá trình viết bài ta có thể dùng làm mở bài hoặc kết bài để tạo chiều sâu và tăng tính sáng tạo cho bài viết.
Phần nghị luận văn học: chiếm 70% số điểm bài thi nên ta khổng thể lơ là. Cần phải nắm chắc thông tin về tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian sáng tác tác phẩm (nếu quan trọng) và nội dung phân tích các tác phẩm, không nhất thiết phải thuộc lòng từng từ nhưng phải nhớ các luận điểm chính và nhất định phải viết được đúng những luận điểm ấy trong bài thi rồi triển khai phân tích theo đó.
Thêm nữa, các bạn nên tự viết mở bài, thân bài trước từ ở nhà cho các văn bản và ghi nhớ. Khi viết ta chỉ cần viết và chỉnh sửa cho khớp với vấn đề của đề bài. Cuối cùng theo mình bí kịp quan trọng nhất là: ghi nhớ; tham khảo các đề thi đại học môn văn và đáp án biểu điểm những năm thi trước; luyện đi luyện lại nhiều dạng đề.
Bạn Tạ Anh Thư- Học sinh lớp 12D0
Để ôn thi môn Lịch Sử hiệu quả, theo mình việc đầu tiên cần thay đổi tâm lí khi học môn học này! Tạo tâm lí thoải mái, không quá gò bó mang nặng về việc ghi nhớ những con số hay những cột mốc thời gian trong lịch sử. Cần đọc đi đọc lại sách giáo khoa, để nắm vững kiến thức; làm thêm nhiều dạng đề khác nhau và đối chiếu với đáp án.
Để ghi nhớ kiến thức lịch sử dễ dàng, cần chia các bài học thành các giai đoạn, liệt kê các vấn đề chính rồi tiến hành học; học bài nào dứt điểm bài đó; với những bài dài hoặc khó thì nên vẽ sơ đồ tư duy chi tiết. Cách tầm 3-4 ngày nên tự kiểm tra lại những kiến thức đã ôn để khi sang kiến thức khác không bị nhầm lẫn.
Đặc biệt, với dạng đề thi trắc nghiệm ngoài những câu hỏi kiểm tra kiến thức, còn một số câu hỏi yêu cầu suy luận, phân tích. Vì thế học Lịch sử chúng ta cần học hiểu và biết suy luận kỹ. Với những câu hỏi có đáp án gần giống nhau mang tính chất “thách đố” các bạn phải nắm vững bản chất nội dung mới có thể chọn đáp án đúng nhất.
Bạn Vi Nhật Anh – học sinh lớp 12D1
Mình rất thích học môn Địa Lý. Để có cách ôn thi môn Địa hiệu quả, cũng như các môn khác như Sử hay GDCD, đều cần học và hiểu kiến thức trong sách giáo khoa; nắm chắc đặc điểm của từng vùng miền để tránh nhầm lẫn, tránh ôn tủ; học cách sử dụng biểu đồ và Atlat; luyện thật nhiều đề để có thêm kĩ năng làm bài!
Bạn Vũ Thuý Trang- học sinh lớp 12D1
Thực ra học GDCD không hề khô khan mà môn học này là thực tiễn đời sống. Vì thế chỉ cần chú ý tập trung nghe giảng trên lớp, về nhà đọc lại là sẽ làm được bài, không nhất thiết phải học thuộc chi tiết từng khái niệm nhưng phải hiểu về nó; tránh học tủ, học lệch. Cuối cùng là luyện nhiều đề để nâng cao kĩ năng làm bài.
Đó chính là những chia sẻ về cách ôn thi đại hiệu quả của các bạn học sinh khối 12 trường THPT ĐÀO DUY TỪ. Các bạn hãy tự tìm cho mình những phương pháp ôn thi hiệu quả nhất để vượt qua kì thi quan trọng đang đến rất gần. Quan trọng nhất có lẽ vẫn là sự chăm chỉ, tập trung ôn luyện và ôn luyện một cách khoa học thì sẽ đem lại kết quả cao! Chúc các bạn thành công!
Ban truyền thông
Thực hiện: Thu Hà