Với dân tộc Việt Nam vấn đề chủ quyền biển đảo có ý nghĩa rất thiêng liêng! Trong huyền tích truyện đẻ trăm trứng từ thời Hùng Vương thì trong 100 người con của dân tộc Việt có 50 người con lên núi và 50 người con xuống biển. Rất có thể trong số họ có những người sống ở miền biển hoặc ra trấn giữ nơi đảo xa.
Ý thức giữ gìn chủ quyền biển đảo luôn thấm đẫm trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi nhớ, hồi tôi còn rất nhỏ, ngày 19/1/1974 bố tôi làm ở Bộ Ngoại giao có nói với tôi bằng giọng buồn bã rằng: nước mình mất Hoàng Sa rồi con à! Tôi cứ nghĩ rằng đó là điều bí mật mà riêng tôi biết. Vì ở thời đó các phương tiện truyền thông không được rộng rãi như hiện nay và vấn đề này cũng là vấn đề nhạy cảm, không được phổ biến rộng rãi. Nhưng đến lớp tôi nhiều bạn cũng đã biết, có bạn còn bảo rằng: Chính phủ Việt Nam cộng hòa đã gửi kháng thư lên Liên hiệp quốc.
Rồi vào ngày 14/3/1988 có lẽ trái tim của rất nhiều người con dân tộc Việt lại nhói đau khi đảo Gạc Ma của Hoàng Sa bị cưỡng chiếm từ ngoại bang. Và chúng ta đều biết đến vòng tròn bất tử do các chiến sĩ hải quân dựng nên để giữ vững chủ quyền dân tộc mặc dù phải trả giá bằng máu của chính mình.
Và những ngày vừa qua báo chí trong nước cũng như quốc tế đang nóng lên từng giờ với vấn đề chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở biển Đông. Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược, ngạo mạn xâm chiếm biển Đông – Việt Nam trái với luật pháp quốc tế như: đưa giàn khoan HD 981, khoảng 100 tàu chiến, dùng vòi rồng tấn công lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Một lần nữa chủ quyền dân tộc lại bị đe dọa. Nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta thấm thía câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Người dân cả nước dõi nhìn về biển Đông! Lá cờ Tổ quốc thắm sắc trên đường phố; tạo thành sắc phục của biết bao bạn trẻ, ca sĩ. Nhiều người sẵn sàng tình nguyện tham gia chiến đấu tại biển Đông khi Tổ quốc cần!
Với học sinh THPT, các em có thể làm được gì hơn nữa để chung tay bảo vệ độc lập – chủ quyền – toàn vẹn lãnh thổ dân tộc? Như Bác Hồ đã nói:
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Những điểm 9, 10 chúng ta đạt được trong giờ học là những đóng góp tuy nhỏ nhưng cần thiết để mỗi người trưởng thành và sau này trong cương vị công tác của mình chúng có thể đóng góp những điều to lớn hơn cho biển đảo quê hương!
Nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua có nói: dòng suối đổ ra sông, sông đổ ra đại trường giang Vôn – ga, đại trường giang Vôn –ga đổ ra biển. Tình yêu gia đình, quê hương làm nên tình yêu Tổ quốc. Những hành động mà các em đang từng bước làm nên ở lứa tuổi học sinh của mình nghĩa là các em đang đồng hành cùng các chiến sĩ nơi biển đảo trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Để kết luận tôi muốn nói rằng: dân tộc ta là một dân tộc gan góc đã đứng vững trong những cuộc kháng chiến trường kì chống giặc ngoại xâm. Và ngày hôm nay, tôi tin rằng: lòng yêu nước và nội lực dân tộc đã, đang và sẽ bảo vệ cho mảnh đất Việt Nam vượt qua những biến cố ngặt nghèo của lịch sử, bảo vệ thành công chủ quyền biển đảo quê hương!
Hà Nội trong những ngày tháng 5 hướng về biển đảo
GS.TS Hà Huy Bằng