Trong 7 năm gần đây nhất, trường Đào Duy Từ nằm trong số 3 trường trung học phổ thông của Hà Nội có học sinh tham dự kì thi Học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Tiếng Anh và 100% số học sinh tham dự đều đạt giải.
3 trụ cột trong chuyên môn
Trong khi nhiều trường phổ thông ngoài công lập vẫn đang loay hoay với bài toán tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thì THPT Đào Duy Từ đã khẳng định được uy tín của mình với số lượng thí sinh đăng ký theo học ngày càng tăng. Được giao chỉ tiêu 300 học sinh/ năm học nhưng nhà trường thường xuyên nhận được 1.500- 2.000 hồ sơ đăng ký. Có được những thành công đáng kể này, trước hết là bởi ngay khi mới thành lập THPT Đào Duy Từ đã định hình một mô hình giáo dục hiện đại, kết hợp được tính năng động và tự chủ của cơ chế dân lập với các thế mẹnh vốn có của cơ quan bảo trợ về chuyên Vật lý, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội- cơ sở đào tạo tài năng hàng đầu quốc gia. Trường cũng nắm bắt được nhu cầu, đòi hỏi của thế hệ mới về chất lượng giáo dục nên đã chủ động, năng động xây dựng những hướng đi mới, cách làm mới trong mỗi hoạt động của mình.
GS.TS Hà Huy Bằng- Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết: Xuyên suốt quá trình hoạt động nhà trường luôn dựa vào 3 trụ cột chuyên môn, thứ nhất là đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện cho tất cả học sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp học, thi tốt nghiệp và đỗ đại học với tỷ lệ cao nhất; thức hai là tạo mọi điều kiện, mọi nguồn lực để học sinh phát triển được năng lực trí tuệ; và thứ ba là đầu tư đặc biệt cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi để học sinh của trường có thể đạt giải quốc gia, giải quốc tế và nâng cao trình độ tiếng Anh, giúp cho các học sinh có cơ hội được tiếp tục du học ở các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
Những trụ cột này được xây dựng bởi đội ngũ giáo viên tài năng, từ những giáo viên cơ hữu có học vị Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, đã đạt các giải thưởng Quốc gia, Quốc tế, tâm huyết với nghề và có kĩ năng sư phạm tốt đến các giáo viên thỉnh giảng là GV giỏi của các trường học ở Hà Nội, các giảng viên đang dạy tại các khối chuyên Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Anh văn của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học sư phạm và các trường đại học khác.
Theo GS Bằng: Để bắt kịp với xu thế mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, Nhà trường đã đề ra những phương thức đào tạo đổi mới và phải đem lại hiệu quả thực sự. Trường tổ chức giảng dạy chính khóa với các môn học và số giờ dạy theo quy định, có chú ý đặc biệt đến việc rèn luyện kỹ năng thực hành và giải đáp bài tập, năng lực tư duy logic và suy luận. Nhà trường đề cao kỷ luật học tập và thường xuyên giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em học sinh để giúp các em trở thành những con người toàn diện. Tăng cường số tiết các môn trọng điểm Toán, Văn, Anh cho tất cả các học sinh, riêng Ban cơ bản nâng cao khối A (hoặc A1) tăng cường thêm một số tiết Lý, Hóa. Giúp các em làm quen với nội dung và hình thức thi cử sát với các yêu cầu của kỳ thi vào Đại học.
Hướng học sinh đến các hoạt động có ích
Không chỉ chú trọng đến dạy, học văn hóa, đào tạo “gà nòi” mà THPT Đào Duy Từ còn đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa nhằm hướng các học sinh tới các hoạt động có ích như: Đá bóng, cầu long, bóng bàn, cắm hoa nghệ thuật, bích báo, tham quan dã ngoại, giao lưu với các trường bạn. Xây dựng thư viện gồm nhiều sách và tài liệu tự dịch để định hướng cho các học sinh sử dụng sách tham khảo và tự học. Phát triển các câu lạc bộ: Tiếng Anh, Kĩ năng sống, Thiết kế chương trình và biểu diễn nghệ thuật, Các nhà quản lý trẻ, … do các học sinh chủ động điều hành dưới sự giúp đỡ của các giáo viên và các chuyên gia có kinh nghiệm.
Đặc biệt, để quản lý sát sao học sinh trong mọi hoạt động, nhà trường đã triển khai nhiều cách làm độc đáo, được phụ huynh học sinh và học sinh hưởng ứng, như: Trường thành lập một tổ giáo viên chỉ chuyên chấm lại toàn bộ vở của học sinh sau mỗi ngày học, từ đó chỉ ra những lỗi sai, những thiếu sót của học sinh khi học và làm bài, giúp các em rút kinh nghiệm trong những bài học sau. Giáo viên của trường còn dày công xây dựng các mẫu biểu để nắm bắt, phản ánh cụ thể tình hình giảng dạy và học tập ở một ca dạy. Chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT, giáo viên mỗi bộ môn đều xây dựng một bộ đề cương ôn tập với hệ thống những kiến thức cơ bản nhất, giúp học sinh hiểu bài ngay khi ở lớp, … Giáo viên luôn đồng hành với học sinh trong các giai đoạn để các em thực sự có sự chuyển biến, phát triển trong quá trình theo học. Nhờ vậy, tuy điểm đầu vào của trường còn chưa cao, nhưng kết quả đầu ra thì rất đáng ghi nhận. Tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học của khóa đầu tiên (năm 2005) là 87%, từ khóa thứ 2 đến khóa thứ 7 duy trì ở mức 91- 92,5%.
THPT Đào Duy Từ còn là một môi trường luôn khuyến khích sự tiến bộ của học sinh thông qua các chương trình học bổng của trường, học bổng du học và quan hệ đối ngoại. Cách học sinh đạt kết quả cao hoặc tiến bộ vượt bậc trong các kì thi chất lượng thường kỳ, thi thử Đại học, hay đạt thành tích trong công tác sẽ được nhận phần thưởng và học bổng hỗ trợ (mức cao nhất là 5 triệu đồng/ lần) từ Nhà trường. Riêng 30 học sinh xuất sắc của khóa học được nhận học bổng khuyến học (mức cao nhất là 7 triệu đồng/năm học) từ các cơ quan khoa học và DN. Ngoài ra, các học sinh có thể được nhận học bổng đặc biệt (mức cao nhất là 30 triệu đồng) khi đạt giải trong kỳ thi HSG Quốc gia, Quốc tế. Thông qua quan hệ thường xuyên với các trường phổ thông, dự bị đại học và đại học trên thế giới như: Chung Ling (Trường phổ thông của Malaysia), Insworld (Dự bị đại học của Anh), Washington (Đại học của Mỹ), Nanyang (Đại học của Singapore), Saint Mary (Đại học của Canada),… Trường liên tục cử các đoàn giáo viên và học sinh đi giao lưu và sinh hoạt chuyên môn ở nước ngoài, đồng thời nhận được các học bổng du học từ các trường bạn (riêng năm học 2011-2012 các trường đã cho học sinh Đào Duy Từ 8 học bổng toàn phần).
Những cách làm năng động, sáng tạo, gắn với quyền lợi của học sinh đã mang lại những thành công cho mô hình giáo dục hiện đại ở THPT Đào Duy Từ. Ở đây, chân trời tru thức luôn rộng mở với những học sinh ham học, sáng tạo và nhiều khát vọng.