Ra đời từ xa xưa, văn học dân gian là mạch nguồn quan trọng, bền vững cho sự phát triển của văn học dân tộc. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Trước khi có thơ chính quy, thơ chuyên nghiệp, người bình dân đã tự diễn tả lòng mình yêu thương, sướng vui, đau khổ”. Để các bạn học sinh hiểu hơn về quá trình sáng tác, lưu truyền, giá trị của văn học dân gian, ngày 2/11, thầy và cô trường THPT Đào Duy Từ và trường THPT Bắc Hà đã tổ chức chương trình sinh hoạt ngoại khóa Văn học dân gian Việt Nam tại hội trường kí túc xá Mễ Trì (182 Lương Thế Vinh).
Tham dự buổi ngoại khóa bao gồm các khách mời: Thầy Nguyễn Hùng Vĩ –Nhà nghiên cứu văn học – văn hóa dân gian, Khoa văn, Trường Đại học Tổng hợp; Cô Hoàng Thùy Linh, Trưởng bộ Môn Múa trường Nghệ thuật; Anh Nguyễn Phúc Đại – cựu học sinh của nhà trường, thủ khoa đầu vào trường Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương. Về phía BGH nhà trường: GS.TS Hà Huy Bằng – Hiệu trưởng nhà trường, cô Hoàng Thị Vịnh – hiệu trưởng Trường THPT Bắc Hà, cô Đỗ Thị Thu Hằng – Tổ trường tổ Ngữ Văn cùng toàn thể các thầy cô của nhà trường, các bậc cha mẹ học sinh và 15 lớp khối 10 đến từ trường THPT Đào Duy Từ và trường THPT Bắc Hà – Đống Đa.
Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ chào mừng đa dạng về thể loại: hát, múa, nhảy hiện đại… đã tạo nên không khí sôi động và hứng khởi cho chương trình.
Kết thúc phần văn nghệ chào mừng, thay mặt cho Ban Tổ chức, cô Đỗ Thị Thu Hằng – Tổ trưởng tổ Ngữ văn đã có bài phát biểu khai mạc chương trình đầy tâm huyết. Tiếp đó, Nhà nghiên cứu văn học – văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng có bài nói chuyện về “Văn hóa dân gian”, chia sẻ những giá trị quý báu của nền văn học dân gian.
Bài phát biểu ngắn gọn nhưng đầy đủ và sâu sắc của Thầy Hùng Vĩ đã khơi gợi thêm trong các em niềm yêu thích, đam mê nghiên cứu đối với bộ môn Văn học dân gian. Tiếp nối những mạch nguồn cảm xúc về văn học dân gian Việt Nam, đại diện cho toàn bộ học sinh khối 10 đến từ hai trường ba học sinh :…… đã thuyết trình về bài viết chuyên đề của mình: Lời tỏ tình trong ca dao tình yêu đôi lứa; Truyện cổ tích là những giấc mơ; Cách ứng xử của nhân dân qua truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy. Đây là ba bài viết xuất sắc nhất đã được các cô giáo đến từ tổ Ngữ Văn chấm và lựa chọn kĩ lưỡng sau quá trình phát động cuộc thi: Nghiên cứu về văn học dân gian Việt Nam dành cho học sinh trung học phổ thông.
Phát động phong trào nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THPT cũng chính là một trong những mục tiêu hướng đến của tổ Ngữ Văn nói riêng và nhà trường nói chung giúp học sinh có khả năng tự học và tìm hiểu chuyên sâu về các vấn đề khoa học. Từ đó, trau dồi cho các em vốn tri thức và bồi đắp niềm đam mê cho các em về nguồn văn học dân gian đa dạng và đặc sắc của nước nhà.
Bên cạnh việc tìm hiểu chuyên sâu về văn học dân gian thông qua các bài nghiên cứu thì buổi sinh hoạt ngoại khóa văn học dân gian còn có các phần thi giữa các đội chơi là các lớp khối 10 của trường. Và đây cũng được xem là phần hấp dẫn và sôi động nhất, thu hút được sự tham gia của tất cả các học sinh.
- 1. Phần thi Hiểu biết VHDG (Sơ khảo – Chung kết)
Phần thi đầu tiên của các đội chơi là phần Sơ khảo – Hiểu biết văn học dân gian. Trong phần thi này, 15 đội chơi sẽ nhận được các câu hỏi trắc nghiệm với các lựa chọn để trả lời và thầy Nguyễn Hùng Vĩ là cố vấn. Sau một khoảng thời gian thi tài hiểu biết gay go nhưng cũng không kém phần lí thú giữa các đội chơi, ban giám khảo đã chọn ra được 4 đội chơi xuất sắc nhất để đi tiếp vào phần chung kết.
Bước vào phần thi chung kết, 4 đội chơi phải vượt qua các vòng thử thách mang tên: phần thi khởi động (trả lời các gói câu hỏi), tăng tốc (phần thi ô chữ giải đáp các câu tục ngữ) và về đích (đuổi hình bắt chữ). Kết thúc phần thi Hiểu biết VHDG, đội 10D01 đã trở thành đội chiến thắng chung cuộc.
- 2. Phần thi diễn xướng dân gian
Chương trình hoạt động ngoại khóa không chỉ bao gồm các phần: Bài viết chuyên đề của học sinh, Thi hiểu biết dân gian mà còn có một phần thi hấp dẫn hơn cả đó chính là phần THI DIỄN XƯỚNG DÂN GIAN.
Nhắc đến văn học dân gian và diễn xướng dân gian, người ta thường nhớ đến những vở kịch, vở chèo với những làn điệu dân ca quan họ cùng những bộ áo yến, áo tứ thân truyền thống. Phần thi Diễn xướng dân gian của 9 đội chơi với những tiết mục diễn xướng: Thị Mầu lên chùa, Em đi xem hội trăng rằm, Xã trưởng mẹ Đốp, múa Dáng sen, kịch Nhưng nó phải bằng hai mày, hát Thằng Cuội…đã để lại một dư âm vang vọng về không gian thưở xưa vẫn còn đâu đó trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Bên cạnh đó, những thế hệ trẻ tiếp nhận mạch nguồn văn học truyền thống đã mang đến một không khí tươi mới vừa truyền thống vừa hiện đại thông qua các tiết mục: Nhảy hiện đại trên nền nhạc dân gian Bèo dạt mây trôi, Nhảy dân vũ Trống Cơm, nhảy hiện đại Bà tôi… Điều đó đã cho thấy sự trân trọng, tinh thần tiếp nối và sáng tạo của thế hệ trẻ đối với mạch nguồn văn học dân gian.
Kết thúc phần thi Diễn xướng, chi đội lớp 10A trường THPT Bắc Hà đã giành được giải nhất với tiết mục kịch Nhưng nó phải bằng hai mày. Từ một truyện cười dân gian ngắn, trích từ SGK Ngữ văn 10, tập 1, chi đoàn 10A đã chuyển hóa thành một vở kịch với các cảnh đặc sắc, giúp tạo nên tiếng cười châm biếm hài hước, sâu cay đối với việc xử kiện của một bộ phận quan lại ngày xưa.
Chương trình ngoại khóa văn học dân gian kết thúc thành công, ý nghĩa và sâu lắng bằng tiết mục “Làng quan họ quê tôi” của tập thể các cô giáo đến từ tổ Ngữ văn hai trường THPT Đào Duy Từ và trường THPT Bắc Hà.
Với các phần thi bổ ích và các tiết mục sinh động, hấp dẫn, đa dạng về thể loại, chương trình Ngoại khóa văn học dân gian Việt Nam đã giúp cho các học sinh Khối 10 của nhà trường có thêm những hiểu biết sâu sắc về nền văn học lớn của dân tộc – văn học dân gian Việt Nam. Đồng thời nuôi dưỡng trong các em học sinh nói riêng, trong thế hệ trẻ nói chung niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu về mạch nguồn văn học truyền thống, giúp hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần của cha ông ta ngày xưa, bồi dưỡng nếp sống đẹp, nếp sống văn hóa, giàu tình yêu thương với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước.
Tổ Ngữ Văn