320 lượt xem

Mai Châu- Bản Lác- Vẻ đẹp tiềm ẩn

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

….
Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Nhớ câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Mai Châu là tên một vùng đất thuộc tỉnh Hòa Bình gần biên giới Ai Lao. Chắc chắn có nhiều người đã nghe đến Mai Châu nhưng chỉ nghe nói thôi ( chính xác là qua lời giảng văn của cô giáo) , rất ít người trong chúng tôi đã được đặt chân đến Mai Châu. Người ta biết đến Mai Châu không phải qua truyền hình, địa dư, lịch sử mà vì đọc bài thơ Tây Tiến. Chỉ hai câu thơ- và chừng ấy thôi đã  in sâu trong lòng những học sinh thành thị  vẻ đẹp tiềm ẩn của một vùng đất.

Những ngày đầu tháng 11/2014, chúng tôi -hơn 1000 học sinh trường THPT Đào Duy Từ cũng vì cảm khái câu thơ’’ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi’’ của Quang Dũng mà bỏ lại Hà Nội, rời xa sách vở, vượt qua 140 km ‘’dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm’’ lên thăm Mai Châu.

Gần 40 chiếc xe 35 chỗ đón chúng tôi dù khởi hành khá sớm, vẫn phải luồn lách qua các ngả đường nội thành đến Hà Đông mới bớt kẹt xe, dòng sông Nhuệ chảy rất thùy mị trong thị xã. Qua Chúc Sơn, Xuân Mai của huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Đông Phương Yên họp bên vệ đường đang buổi chợ với đầy đủ thúng mủng, rau cỏ la liệt dưới đất bày ra đúng cảnh chợ xa.

Trên con đường thiên lý, đường đèo hoang vắng, sương trắng phủ chỉ thấy chiếc xe tôi chạy đơn độc trên đường, thỉnh thoảng mới gặp một chiếc xe đi ngược chiều. Hơn bốn km đèo cao bốn bề mây phủ, xe nhích từng chút một, đèo rất hẹp nên nhiều lúc xe chạy cheo leo sát mép vực. Qua khỏi con đèo, bắt đầu hiện ra các dãy ruộng bậc thang xinh xắn. Cầu Vàng dẫn vào huyện Mai Châu cây cối xanh tươi tuy vẫn xen vào những cây phượng và bàng trụi lá ven đường. Đường Số 6 xuyên qua phố huyện với những tấm bảng chỉ dẫn: bản Văn, bản Pom Coọng, bản Nhót…

Xe rẽ vào bản Lác gồm người những họ Hà, Công, Lò, Vi, Lộc… cư ngụ. Bản tức là xóm. Người Thái đã định cư ở đây từ lâu với lương thực chính là lúa nước, nên mỗi bản gồm vài chục nóc nhà sàn chắc chắn, được dựng quây quần thành nhiều dãy thẳng hàng với những lối đi ngay ngắn. Mái lợp đến năm sáu lớp lá gianh nên rất dầy và bền.

Mỗi ngôi nhà có ba gian. Một gian tiếp khách, một gian dành nghỉ ngơi và bếp.Dưới đất không phải để nuôi gia súc mà là chỗ hàng xóm ngồi chơi trò chuyện.

Trên sàn gỗ khá rộng phủ kín chiếu hoa. Mỗi góc nhà đều chất cao chăn, nệm, gối, màn… bên cạnh TV, tủ kính bày hoa giả và búp bê…

Chúng tôi- những thanh niên nơi thành thị, quần áo sặc sỡ, vai khoác balo tay xách túi, gương mặt rạng rỡ háo hức…Tôi nhìn quanh rất lâu mới thấy cô gái Thái  trong chiếc áo chẽn trắng duyên dáng với hàng khuy dài như từng thấy trong sách, ở đây tất cả đều dùng y phục người Kinh, ngoại trừ vài phụ nữ lớn tuổi mặc váy đen xốc xếch nhưng toàn đi cùng với áo pull.

Bản Lác không còn vẻ hoang sơ như những bản người H’mong, người Mường tôi từng đến, từ năm 1988 Bản cùng với công ty du lịch, mở cửa đón những đoàn khách trong và ngoài nước. Đến Mai Châu vào những ngày đầu đông, cái rét dường như vẫn ngập ngừng chưa về nhưng mưa thì đã rả rích cả ngày từ Hà Nội. Thế nhưng tuyệt nhiên trên đây lại vô cùng thoáng đãng mát mẻ, cũng là một cái may cho cả đoàn chúng tôi. Một vài bạn trẻ nhanh chân đã thuê xe đạp đi thăm thú toàn cảnh bản Lác ngay khi xuống xe chưa được bao lâu.

Chiều hôm đó, mấy đứa học sinh chúng tôi lần đầu tiên được ‘’xuống’’ đồng. Cả cánh đồng chỉ còn những gốc rạ  khô trơ trọi, nước đang cạn dần. Tay cầm dép, đi chân trần trên bờ cỏ cũng là một trải nghiệm vô cùng mới lạ mà khi ở Hà Nội chẳng thể biết được

Đêm đến, Nhà trường tổ chức văn nghệ và đốt lửa trại. Lần đầu tiên kể từ khi bản làm du lịch mới có một sân khấu dã chiến sôi động đến vậy.

Không chỉ có những tiết mục sôi động của giới trẻ, nhảy dance, nhảy hiện đại, để thể hiện tình yêu với mảnh đất Mai Châu, các bạn còn gửi đến người dân nơi đây điệu múa uyển chuyển trong trang phục người Thái.

Tiếng đàn tiếng hát cứ thế vang lên giữa đại ngàn, trong ánh lửa trại bập bùng…nhìn về phía xa, những mái nhà lấp loáng ẩn hiện trong ánh điện, càng tô thêm vẻ liêu trai về một miền đất linh thiêng kỳ bí.

Sáng sớm hôm sau, con đường làng ẩm ướt như vừa được xe rửa đường dọn sạch. Cơn mưa từ đêm qua khiến chúng tôi có chút lo lắng. Nhưng sáng nay, bầu trời như thay áo, xanh mát trong lành, rất phù hợp với hoạt động mạnh như đá bóng kéo co.

Hai ngày tham quan trôi đi quá nhanh, nhưng 2 ngày đó, chúng tôi được sát cánh bên nhau, sống chung dưới một mái nhà, để hiểu thêm về nhau. Được cùng nhau ghi dấu trong bức ảnh kỷ niệm dã ngoại của thời cắp sách đến trường.

Nhớ lắm những phút giầy bên thầy cô, mà chỉ có ở nơi đây thôi, học sinh và thầy cô mới có cơ hội gần nhau đến  thế. Lúc này, cô giáo với chúng tôi như một người mẹ thứ hai.

Cuối cùng, chúng tôi vẫn phải nói điều không bao giờ muốn ‘’ Tạm biệt Mai Châu’’…Thay lời muốn nói, xin gửi tới bạn đọc câu thơ của một người lữ khách từng viết về mảnh đất này:

‘’Về thăm bản Lác chiều nay
Núi ngơ ngẩn núi
Mây tần ngần mây
Hồn thơ ” Tây Tiến” dâng đầy
Mùa em thơm,
Nếp hương bay loãng chiều

Đến Mai Châu
Nhớ khăn Piêu
Thoi thưa nhớ nhịp
Khung thêu nhớ người

Nỗi niềm thổ cẩm đầy vơi
Sín kiềng, Tằng Cẩu…
Em tôi ngại ngùng

Trống ,chiêng sạp nổi sàn rung
Sao không nổi lửa cho hồng má em’’

 T.Hải

 Album hoạt động ngoại khóa tại Bản Lác – Mai Châu

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2021-2022