317 lượt xem

Thầy Bằng “vẫn luôn có một Chuyên Lý trong trái tim này…”

Hạnh phúc của học sinh là được học thầy cô giáo giỏi. Hạnh phúc của thầy cô giáo là được học sinh gửi trọn niềm tin yêu. Hai niềm hạnh phúc này, chúng ta gặp trọn vẹn ở “mái nhà” Chuyên Lý (ĐHQG Hà Nội). Đây là bài viết được đăng trên “Khoa học& Tổ quốc” của Eros- Nguyễn Hải Sơn đang là sinh viên trường Ecole Normale Superieur- Paris.

Năm 1996. Sau bao năm chờ đợi, giấc mơ đổi màu huy chương của bao thế hệ Chuyên Lý- Đại học Khoa Tự nhiên đã thành hiện thực khi Trần Thế Trung mang về giải Vàng cho Tổ Quốc từ xứ sở Nauy lạnh lẽo. Nhưng không chỉ có thế, năm 1996 lịch sử Chuyên Lý còn ghi dấu sự lên ngôi của hoàng đế không ngai- Thầy Bằng. Vị vua mà giống như chính khách Clinton- hai nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị chủ nhiệm khối.

Tám năm, một quãng thời gian thật dài so với đời cấp ba, 3 năm ngắn ngủi nhưng lại vô cùng nhỏ bé trên thước đo của một đời người và sự vô cùng của cả vũ trụ. Tám năm ấy đã chứng kiến sự trưởng thành của bao thế hệ học sinh Chuyên Lý, từ huyền thoại Trần Thế Trung K8, thợ thi Nguyện Đức Trung Kiên K9 hay năm chàng ngự lâm pháo thủ K11 và tất cả những người con thân yêu của ngôi nhà Chuyên Lý. Với họ, với chúng tôi, thầy Bằng là cả một thần tượng.

Những cô bé cậu bé lớp 10 bỡ ngỡ ngày đầu tiên bước vào khối Chuyên Lý đã có một ấn tượng đặc biệt chẳng thể nào quên trước bài nói chuyện sôi nổi của thầy. Qua chất giọng vang, ấm áp, rành rọt của một nhà ngoại giao đích thực, lịch sử vẻ vang của khối Chuyên Lý đã đến với chúng tôi trong ngày đầu ấy như bước ra từ một pho sử thi kì vĩ. Cuộc nói chuyện khó quên ấy đã truyền cho chúng tôi niềm tự hào và lòng quyết tâm chinh phục đỉnh cao.

Dáng đi nhanh thoăn thoắt, bước đi dứt khoát tự tin, vẻ mặt lúc nào cũng tươi tỉnh, đượm vẻ ưu tư kèm theo một nụ cười rất duyên, bạn sẽ chẳng thể nào quên nếu được gặp thầy vào một buổi trưa hè, nếu không phải là tiếng dép lê lạo xạo đạp trên lá khô thì cũng là một chiếc áo K12 trắng toát hay K13A xanh màu mộng mơ hoặc một chiếc áo K13B đỏ lửa, ẩn sau cặp kính dày cộp là một đôi mắt rực sáng, lấp lánh ý chí và niềm tin. Những giờ học của thầy là “những điểm kì dị” trong chuỗi giờ học toàn lý thuyết khô khan. Những tràng cười như đánh thủng cả không gian oi ả của trưa hè hay cái lạnh u ám của một sáng mùa đông. Bạn để ý xem, cứ thấy lớp nào nhộn nhịp, sôi nổi như một hội mini Olympia là lớp đó có thầy Bằng, bọn lớp khác lại ganh tị: “ước gì…”. Người ta thường nói đến triết học Mác, Enghen nhưng đối với tôi còn có một triết lý sống khác, không quá phức tạp và khó hiểu mà thật giản đơn và gần gũi, đó là triết lý sống của thầy Bằng- Lạc quan, quyết đoán mà cũng thật hóm hỉnh. Thầy bảo chúng tôi: “Đi thi nếu gặp bài bất đẳng thức nào khó quá thì cứ hô vang: Côsi muôn năm, Bunhiacốpxki muôn năm, nếu vẫn bí thì hãy hô tiếp thật to: Thầy Bằng muôn năm, kiểu gì chẳng ra”. Mọi câu nói của thầy đều khiến chúng tôi phải suy nghĩ thật nhiều bởi những hàm ý sâu xa. Thầy bảo con người ta chỉ sợ những ai mà mình không biết, những gì vô hình, siêu nhiên mà mình không thể đạt tới vì vậy họ không ngừng khám phá tự nhiên để xóa tan những nỗi sợ hãi của mình.

Con người thầy thẳng thắn, cởi mở nhưng có một chiều sâu tâm trạng và một thế giới nội tâm phong phú, điều đó được thể hiện bằng chất văn trong những cuộc nói chuyện, những bài viết của thầy mà tựa như được bắt gặp từ tâm hồn của một nhà hiền triết Hy Lạp. Đôi lúc trong bài giảng, tôi thấy thầy lặng đi, cầm cuốn sách ngang mặt, ánh mắt nhìn xa xăm như soi rọi không gian để tìm ra một chân lý. Người đàn ông phải có một cá tính mạnh mẽ, phong cách sống của thầy đã khẳng định rõ nét cái tôi cá nhân của mình.

Trên cương vị một người chủ nhiệm khối, thầy Bằng là nguồn động viên rất lớn cho tất cả chúng tôi vươn lên chiến thắng bản thân. Trong buổi lễ tổng kết học kì I, đứa nào mà chẳng phấn chấn, hăng hái khi nghe thầy làm lễ ra mắt cho đổi tuyển Quốc gia, từng người, từng thành viên trong đội tuyển được thầy giới thiệu bằng tất cả sự hào hứng và niềm tin tuyệt đối. Lúc ấy, chúng tôi ai nấy đều thầm tự hạ quyết tâm sẽ cố gắng hết mình để có thể đứng trong hàng ngũ ấy, để được nghe thầy Bằng giới thiệu về chính mình, để được tự hào, được khẳng định bản thân và mang trong mình trọng trách. Thầy luôn đi cùng với những thành công, những chiến tích vang dội của Chuyên Lý. Một trưa tháng ba oi ả, những tia nắng rực lửa soi rõ từng giọt mồ hôi trên gương mặt mỗi người trong lớp. Bước chân ai đang bồn chồn ngoài hành lang- thầy Bằng, không kìm nén nổi niềm vui, thầy tiến vào lớp và chẳng kịp để cho chúng tôi đứng dậy chào, thầy phấn chấn công bố thành tích thi quốc gia của đội tuyển, tràng pháo tay như sấm, thầy vội vã bước đi sang một lớp khác, vang xa ngoài hành lang tiếng dép khua vang mừng rỡ, lại một tràng pháo tay nữa, không biết ở lớp nào,… Thật giản đơn: thành công của Chuyên Lý là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của thầy, phải chăng thầy chính là vị thần chiến thắng? Quan điểm về đào tạo đội ngũ học sinh của thầy thật rõ ràng: kẻ nào mạnh hơn kẻ đó chiến thắng, điều đó khẳng định qua hàng loạt các kỳ thi chất lượng, những ngày thi đội tuyển liên tục như những đòn cân não. Học nhiều, thi nhiều, thành tích lừng lẫy, đó đã là chân lý khẳng định vị trí dẫn đầu của Chuyên Lý.

Thời gian sẽ qua đi, lớp học sinh này nối tiếp lớp học sinh khác nhưng Chuyên Lý vẫn mãi mãi là ngôi nhà của tất cả chúng ta, nơi có những con người mà ta kính yêu và luôn hướng về bao chân trời xa lạ. Nếu như nước Mỹ có thời đại của Roservelt, Clinton thì Chuyên Lý cũng có những năm tháng không thể nào quên với thầy Bằng, tại sao chỉ là 2 mà không phải là 3,4 hay nhiều nhiệm kì khác? Tôi xin khép lại bài viết của mình bằng một câu thật cảm động của thầy: “Có thể chỉ sau một hoặc hai cái 15 năm như thế này nữa thôi thì bên tôi sẽ là giường bệnh; sẽ chẳng còn ai ở Chuyên Lý bên tôi. Nhưng Chuyên Lý ơi, dù vậy tôi vẫn luôn có Chuyên Lý ở trong trái tim này”.

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2021-2022