268 lượt xem

”BÀI VIẾT CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC DÂN GIAN”- chuyên đề: truyền thuyết

Sau khi phát động cuộc thi viết chuyên đề văn học dân gian với 5 đề tài liên quan đến các thể loại: ca dao, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, thầy/cô tổ Ngữ văn đã chọn được 5 bài viết tốt nhất của tập thể 10D01, 10D02, 10D2.

Đây là những bài viết có sự đầu tư về thời gian, công sức. Tuy mới làm quen với kiểu bài nghị luận văn học của bậc THPTnhưng các em chứng tỏ có sức viết bền bỉ, dẫn chứng phong phú, so sánh mở rộng, liên hệ thực tế sinh động.

————–o0o————–

Đề 2:

Bài học ứng xử của nhân dân qua truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”.

Bài làm của Nguyễn Thị Ngọc Mai, Lớp 1OD02

“Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc – một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc. Hơn thế nữa, đây cũng là tác phầm mang dấu ấn bi kịch sớm nhất trong văn chương dân tộc. Giếng Mị Châu ở Đông Anh còn đó, bên cạnh bài học về việc cần đề cao cảnh giác với kẻ thù, tấm oan tình còn để lại những bài học mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Mị Châu là con gái vua An Dương Vương – người con gái trong sáng, ngây thơ, tin tưởng tình yêu một cách chân thành cuối cùng đã bị chính người chồng đưa vào bẫy, gây ra cảnh nước mất nhà tan. Trọng Thủy làm rể của An Dương Vương. Mọi nguyên nhân, bi kịch trước hết đều bắt đầu từ An Dương Vương khi đã để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân. Nhất là, kẻ ở rể lại phục vụ cho dã tâm của Triệu Đà – lấy bí quyết nỏ thần để cướp nước. Sự mất cảnh giác đáng trách của An Dương Vương làm mất nước đã đành nhưng hậu quả của nó lại mang ý nghĩa bi kịch là làm nên cảnh sinh ly tử biệt, tan vỡ tình duyên của Mị Châu – Trọng Thủy.

Và trươc những sai lầm mà vua An Dương Vương đã gây ra, nhân dân ta đã thể hiện lối sống công bằng, nghiêm minh và trừng phạt nhà vua một cách thích đáng. Đau đớn thay khi nhà vua phải tự tay chém chết con gái của minh và phải hứng chịu những nỗi đau, sự mất mát ấy. Nhưng chính hành động đó đã chứng tỏ nhà vua đã có sự tỉnh ngộ dù đó chỉ là sự tỉnh ngộ muộn màng, không có gì có thể cứu vãn. Do có công với đất nước nên nhân dân không để ông chết mà muốn ông bất tử hóa, được hóa thánh trong đời sống tâm linh của dân tộc, đó vừa là sự trừng phạt nhưng cũng vừa thể hiện sựu trân trọng, biết ơn với tài năng, công lao, vai trò đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước của vua An Dương Vương. Có thể nói, sai lầm lớn nhất của vua An Dương Vương là nhà cua đã quá chủ quan, khinh địch và đây cũng chính là bài học về tinh thần cảnh giác, một lời nhắc nhở không được ngủ quên trên chiến thắng.

Tuy nhiên, nếu sự mất cảnh giác của vua An Dương Vương là nguyên nhân gián tiếp thì sự nhẹ dạ, ngây thớ của Mị Châu là nguyên nhân trực tiếp gây nên cảnh mất nước. Xuất hiện phần sau tác phẩm, khi nhắc tới Mị Châu đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, người lên án, kẻ bênh vực. Những người bênh vực thì lấy tam tong- một quan điểm đạo đức thời phong kiến để bênh vực cho nàng. Họ cho rằng Mị Châu là người con gái hiền thục, tròn đạo hiếu, vâng lời cha lấy chồng, lấy chồng thì một lòng tin yêu chồng. Sao có thể trách nàng được? nhưng họ đã quên rằng, trong một đất nước có nhiều giặc giã, một nàng công chúa chỉ biết làm trọn chữ “tòng” mà vô tình với vận mệnh quốc gia là có tội. Chính vì vậy, nhân dân ta không đánh giá nàng theo quan điểm đạo đức phong kiến thông thường mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để kết tội nàng. Với những lỗi lầm không thể tha thứ của một người dân đối với đất nước, nhân dân ta không những đã để cho Rùa Vàng kết tội đanh thép, không khoan nhượng gọi nàng là giặc mà còn để nàng chết dưới lưỡi gươm nghiêm khắc của vua cha. Nhưng thái độ và cách đánh giá của nhân dân lại vừa thấu tình vừa đạt lý bởi Mị Châu có tội nhưng tội lỗi mà nàng gây ra không phải là chủ ý của nàng mà do quá nhẹ dạ cả tin, yêu chồng bị lừa dối mà mắc tội. Hơn nữa, nàng cũng tỉnh ngộ nhận ra kẻ thù và chấp nhận một cái chết đau đớn nên khi chết, nhân dân ta để nàng hóa thành ngọc thạch, máu biến thành ngọc trai. Sáng tạo nên chi tiết thần kì, ứng nghiệm với lời cầu khẩn trước khi chết của Mị Châu, nhân dân ta đã bày tỏ thái độ bao dung, niềm cảm thông mà minh oan cho nàng.

Trước cái chết đau xót của Mị Châu, Trọng Thủy sẽ phải sống ra sao? Trọng Thủy phải trả giá cho sự lừa dối của mình khi hắn chỉ còn mang được xác của Mị Châu về chon cất. Với kẻ cướp nước, nhân dân ta không để cho hắn chiếm đoạt và tiếp tục lừa gạt Mị Châu. Nhưng điều đáng nói hơn là cái chết lao đầu xuống giếng tự tử của Trọng Thủy. Nhiều ý kiến cho rằng Trọng Thủy là con người mưu mô xảo quyệt và tình cảm mà hắn dành cho Mị Châu đề là giả dối. Ta có thể thấy Trọng Thủy cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh và trong tay Triệu Đà, Trọng Thủy không hơn không kém chỉ là một quân bài chính trị mà thôi. Hơn nữa, mặc dù là một kẻ độc ác, Trọng Thủy hoàn toàn cũng không phải là mất hết nhân tính của một con người. Chính lời nói của Trọng Thủy với Mị Châu trong lúc chia tay, hành động tự vẫn sau chuỗi ngày sống trong sự giày vò, ân hận của hắn nói lên những điều đó. Có lẽ cái chết thê thảm của Mị Châu là lời cảnh cáo dữ dội nhất, đanh thép nhất đối với Trọng Thủy. Nếu Trọng Thủy thực sự yêu nàng thì giờ đây, oan hồn của nàng cũng không chấp nhận tình yêu ấy vì trước khi chết nàng đã gọi chồng mình là kẻ lừa dối. Bị kịch của Trọng Thủy là bi kịch của một nạn nhân trong một âm mưu chính trị. Triệu Đà thắng lợi nhưng mất con trai, Trọng Thủy thành công nhưng trở thành kẻ lừa dối, đê hèn và phải chịu nỗi đau mất vợ. Hình ảnh ngọc trai – giếng nước ở cuối truyện giảm nhẹ phần nào bi kịch về tình yêu của đôi trai tài gái sắc – nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà thôi. Sự lừa dối của Trọng Thủy là lời cảnh tình người đời: “Chỉ có tình yêu chân thành mới được đền đáp xứng đáng, tình yêu chân thành không bao giờ đồng hành với những âm mưu toan tính thấp hèn, với tham vọng cướp nước”.

Quan điểm yêu ghét của mỗi người được thể hiện thật minh bạch, rõ ràng. Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy muôn đời vẫn có những giá trị ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về cách giải quyết cái chung và cái riêng, việc nước và việc nhà. Truyền thuyết ấy như ta vẫn biết chứa đựng bài học mất nước sâu sắc và không ai có thể phủ nhận được điều đó, nhưng chỉ nhắc đến bi kịch đó thôi là chưa đủ mà còn ẩn sâu trong bi kịch tình yêu giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Có thể nói, truyện có sức sống lâu bền chính là nhờ những bài học nhân sinh sâu sắc, quý giá, có giá trị muôn đời mà các tác giả dân gian đã gửi gắm vào đó. Thông qua tác phẩm, em rút ra được nhiều bài học quý giá và cách ứng xử của bản thân, không chủ quan, coi thường đối phương để tránh gây ra những sai lầm đáng tiếc như vua An Dương Vương ngày trước. Đặc biệt, mỗi con người cần tỉnh táo, sáng suốt để phân biệt rõ bạn thù và cần đặt lý trí lên trên tình cảm cá nhân. Mỗi cá nhân phải khẳng định sức mạnh của riêng mình nhưng cũng cần hòa nhập vào cộng đồng, không được để quyền lợi cá nhân lấn át cộng đồng, đồng thời cộng đồng cũng phải tôn trọng, đối xử bằng tình yêu thương với cá nhân, biết khoan dung, độ lượng, nâng đỡ cá nhân đứng dậy sau đau thương, vấp ngã.

Từ câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy, nhân dân muốn gửi gắm đến chúng ta một thông điệp: Con người cần được tha thứ, cần biết cách tha thứ thì mới có đủ sức mạnh niềm tin để bước tiếp trên đường dài nhiều oan nghiệt, lắm chông gai. Câu chuyện truyền thuyết nhiều lần nhắc đến sự bao dung, đó cũng là sự nhân đạo, nhân văn trong truyền thống văn hóa Việt Nam tự bao đời nay. “Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác cũng như lời nhắc nhở về cách giải quyết các mối quan hệ riêng – chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Câu chuyện bi kịch thấm thía ấy cũng là sự thể hiện lập trường và tình cảm rõ ràng của nhân dân ta trước vấn đề lịch sử và quan hệ con người.

(Xem tiếp đề và bài số 3)

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2021-2022