1174 lượt xem

HỌC THẦY, HỌC BẠN: Chi tiết “Con dao” trong truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao

Thầy/cô tổ Ngữ văn xin giới thiệu đến các em học sinh một bài viết sắc sảo của bạn Nguyễn Minh Hiền về chi tiết “con dao” trong truyện ngắn “Chí Phèo” – Nam Cao.

 

Đây là bài viết tinh tế trong cái nhìn, sáng tạo trong cảm thụ, xúc cảm trong ngôn từ. Nếu bài viết chỉ ra hình ảnh con dao hữu hình trong tay người nông dân bị đẩy vào bước đường bần cùng hoá – lưu manh hoá và hình ảnh con dao vô hình trong tay giai cấp thống trị thì bài viết sẽ hoàn chỉnh hơn nữa.

Đề bài:

Hãy phân tích một chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm “Chí Phèo” – Nam Cao mà anh chị tâm đắc nhất.

Bài làm:

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Một truyện ngắn hay phải thật cô đọng, hàm xúc, giàu ý nghĩa, “vỏ phải mỏng, lõi phải dày”. Muốn vậy, từng chi tiết trong câu chuyện phải thật “đắt giá”, chắt lọc, làm nên chiều kích tư tưởng cho tác phẩm. “Yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất của truyện ngắn là chi tiết có dung lượng lớn… tạo cho tác phẩm chiều sâu chưa nói hết”. Những tác giả thành công ở thể loại truyện này thường rất có ý thức trong việc sáng tạo những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Nam Cao đã làm cho đứa con tinh thần “Chí Phèo” của mình trở nên thành công hơn bao giờ hết với một chi tiết tưởng như mờ nhạt nhưng lại mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc: “Con dao”.

“Con dao” – một vật dụng rất đỗi quen thuộc trong đời sống hàng ngày với công dụng để cắt gọt, đẽo… Đây là một vật dụng nhà bếp rất đỗi quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, vì tính “sắc nhọn”, có khả năng gây sát thương mà dao được xếp vào hàng vật dụng “nguy hiểm”.

Trong văn học dân gian, “con dao” là hình ảnh biểu tượng cho cái ác. Khi nói về những con người bề ngoài hiền lành, tử tế nhưng tâm địa ác độc, ta có câu: “Miệng nam mô, bùng một bồ dao găm”.

Hình tượng con dao trong truyện ngắn “Chí Phèo” có đơn thuần là một vật dụng có khả năng gây sát thương cho những người xung quanh?

Con dao xuất hiện trong câu chuyện không dưới một lần. Và nó đều không gắn với hình ảnh người phụ nữ làm nội trợ mà gắn liền với những tên “đầu bò”, “du thủ du thực”.

Có thể nói, “Chí Phèo” là một bức tranh thu nhỏ của làng quê Việt Nam thời kỳ đó. Sau lũy tre làng, mối mâu thuẫn về giai cấp giữa nông dân và địa chủ như trở thành tính quy luật, mãi không chấm dứt. “Chí Phèo” là một dạng “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Trước ông còn có hằng hà sa số những thằng “đầu bò đầu bướu”, điển hình phải kể đến Năm Thọ và Bình Chức.

Năm Thọ vốn có xích mích với Bá Kiến từ lâu. Nhân dịp hắn can dự vào một vụ cướp, Bá Kiến ngầm đẩy hắn vào tù. Tưởng như nhổ được “cây đinh” trong mắt, nào ngờ, một buổi tối hắn vượt ngục “vác dao xộc vào”.

Xét về vai trò trong tác phẩm, Năm Thọ thuộc tuyến nhân vật “phụ” điển hình – sinh ra để làm nền cho nhân vật chính. Ta thấy anh chỉ đơn thuần là một “thằng đầu bò”; không nguyên nhân; không diễn biến tâm lí; không giằng xé nội tâm về những việc làm, không có sự thay đổi về mặt tính cách … Con dao ấy để dọa nạt Lý Kiến (không nghe thì nó đâm chết) nhằm “nhờ ông Lý một cái thẻ mang tên người lương thiện và một trăm đồng bạn để trốn đi”. Cái mũi dao của anh, trong cơn “vượt ngục” túng quẫn, đã chĩa vào cụ Bá như mong tìm thấy một lối thoát mới cho cuộc đời. Như vậy, con dao là khát khao thoát khỏi trốn ngục tù và mong muốn tìm kiếm một cuộc sóng mới, rời xa ở làng Vũ Đại. Và đúng là “Năm Thọ phen ấy đi mất tăm cũng không bao giờ về nữa thật”.

Cách xử lí “mũi dao” của cụ Bá cho ta thấy ông thầy thông minh, khôn khéo làm sao! “Tránh voi chả xấu mặt nào”, dao kề vào cổ, Lý Kiến đương nhiên thỏa mãn yêu cầu của Năm. Đây không đơn thuần là sự nhút nhát, sợ hãi. Vì trong cơn sợ hãi, mọi hành động của con người ta như mất kiểm soát. Nếu cụ Bá chống trả quyết liệt bằng cách phản kháng, kêu la, tri hô,… liệu có phải phương án khôn ngoan nhất? Tiếng động lúc này càng khiến tâm lý tội phạm trở nên bối rối, liều lĩnh thậm chí gây ra án mạng. Vậy nên, cách giải quyết của cụ Bá mới thật êm đẹp biết bao! Cụ thoát khỏi lưỡi hái tử thần một cách khôn ngoan. Từ đó, ta thấy “cái nghề làm việc quan, nếu nhất nhất cái gì cũng đè đầu ấn cổ thì lại bán nhà đi cho sớm”.

Ống kính từ xa như lia cận cảnh đến những nhân vật có cuộc đời gần giống với Chí hơn. So với cuộc đời của Chí, Binh Chức có nét tương đồng hơn cả. Từ một người nông dân hiền lành lương thiện, “hiền quá hóa ngu”, anh trở nên biến chất dần, tha hóa dần. Cái con người “lúc còn ở nhà, nó có ngạo ngược gì cho cam” cũng đã hai lần vác dao đến nhà cụ Bá.

Sau lần mãn hạn đầu tiên, “Lý Kiến sai đầy tớ đem trát đến nhà đòi hắn”. “Hắn đến ngay, nhưng lại dẫn theo cả vợ và con”. “ Không đợi ông Lý nói một câu, hắn rút con dao chọc tiết lợn ra, nhăm nhăm cầm ở tay”, đe dọa Bá Kiến và sẵn sàng đâm chết vợ con mình. Mũi dao không hướng trực tiếp vào Bá Kiến nhưng lại làm ông giật mình, sợ hãi hơn bao giờ hết. Vì nếu vợ con – những người “đầu gối tay ấp” với mình mà còn “có gan đâm chết” thì còn “kiêng gì cái cổ của người khác nữa”.

Than ôi! Cái anh chàng vợ “bị người ta ghẹo cũng chỉ im ỉm” nay lại “hoa lưỡi dao lên loang loáng”. Lưỡi dao sắc bén như đâm chết cái người nông dân hiền lành chất phác. Giờ đây chỉ còn hóa thậ của một con thú liều lĩnh, không chút tình người.

Hắn dùng lưỡi dao để đe dọa cụ Bá, bắt ông khai: “vẫn chưa có tên Chức về”. Sử dụng mũi dao để mong muốn trở thành một người bình thường, được “nghiễm nhiên” “sống ngay chính giữa quê hương hắn”. Nực cười thay! Đau đớn thay! Ai sinh ra mà không được sống tại quê hương? Đây là điều bình thường như cây mọc trên đất, hoa nở dưới ánh nắng. Vậy mà để sống trên làng Vũ Đại, Chức phải dọa dẫm, sử dụng đến vũ lực. Mà nào đâu có phải tranh quyền tranh thế cho ai? Chỉ là xóa tên trong sổ làng – nỗ lực hết mình để dành lấy một cuộc sống mà không được ai thừa nhận. Kề lên cổ vợ mình, cũng như kề lên chính cổ mình, kề lên cái thân phận nhục nhã bị “chúng nó ấn cho không còn ngóc đầu lên được”.

Đó là cái xã hội mà muốn sống được, ta phải ác. Ở cái thế “quần ngư tranh thực”, con người buộc phải giẫm lên nhau để sinh tồn. “Bình Chức sau này rất mực ngang ngược”, “cắm vườn hắn thì hắn chém”.

“Một hôm, không hiểu nghĩ ngợi thế nào”, hắn lại “vác dao” đến để đòi nợ Bá Kiến. Đây không phải ăn vạ hay một món nợ vô lý. Vì “mỗi lần chị Bình đi lĩnh lương hay lĩnh măng”, “phải mượn ông Lý đi nhận thực”. Và “mấy đồng bạc lương đi đời”, còn lại con chị Bình “mấy cái kẹo đạn mút”, “cặp bánh giày giò” – thứ quà quê ít ỏi, vặt vãnh hơn nhiều so với giá trị đồng lương của bố chúng. Mũi dao ấy đến và chỉ muốn đòi lại những gì thuộc về mình, thuộc về gia đình để “nuôi cháu”.

Cảm hứng Bá Kiến được lấy từ nhân vật Tào Tháo trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”. Bởi vậy, ông không đơn thuần chỉ bóc lột hay dâm ô như đám quan lại địa chủ cùng thời mà khiến người đọc phải “nể sợ” vì tài dùng người và “trị người” của mình. Trước mũi dao, cụ không hề tỏ ra sợ hãi mà còn “cười nhạt”. Ông phủ nhận việc mình cầm tiền của vợ chồng hắn: “chị ấy gửi tôi thì quả là không có”. Đầu tiên, cụ phải phủ nhận để mũi dao ấy không nhát tiến thẳng về phía mình. Tuy nhiên, trái với mong muốn, hắn lại trở nên sôi sục, “ trợn mắt lên quát”: “Thế thì thằng nào ăn đi?”. Cụ lại lấp liếm: “anh có thiếu tiền thì bảo tôi một tiếng”. Cụ Bá cao tay ở chỗ “không sợ nó”, “lại cho nó tiền” khiến hắn “lạy ông” ngoan ngoãn, rồi xách dao ra về. Số tiền 5 đồng với cụ có đáng là bao? Nhưng cách ứng xử khôn khéo của cụ, “hắn lại thành ra tử tế”, trở thành “chỗ đầy tớ chân tay”. Cụ thu phục được một tên đầu bò ngoan ngoãn làm tay sai cho mình đến khi hắn chết. Con dao cứ bao lần hướng về phía cụ rồi lại ngoan ngoãn  thu về thuần phục.

Cụ Bá không chỉ lươn lẹo, luồn lách thoát khỏi nguy hiểm. Cụ còn có khả năng hướng mũi dao về phía đối thủ để trục lợi cho mình. “Cụ Bá Kiến không cần than thở: tri không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò chứ. Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò? Thế lực của cụ sở dĩ lấn át được những vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù”.

Cách xử lí mũi dao trong lần thứ hai Chí Phèo đến nhà cụ là một điển hình, một minh chững rõ rành nhất trong tài “dùng thằng đầu bò trị những thằng đầu bò”.

Lần đến nhà Bá Kiến đầu tiên sau khi ra tù, Chí chỉ cầm theo một cái chai, đến ăn vạ. Và vào một buổi chiều, Chí đi uống rượu nợ nhưng lại trả lời rất đanh thép: “Ông nợ!”,” Ông không thiếu tiền!”, ” Ông còn gửi đằng cụ Bá”. Và thế là Chí lại đến nhà Bá Kiến. Khác với sự hùng hổ lần trước, Chí ngoan ngoãn như một con cún nhỏ, chậc to: “Lạy cụ ạ. Bẩm cụ… ”. Điệu bộ hiền lành, gãi tai, lải nhải nhưng lời nói thì đầy thách thức, dọa dẫm: “muốn đi tù”, “muốn đâm chết dăm ba thằng”. “Hắn giơ ra một con dao nhỏ nhưng rất sắc, cúi xuống, tần mần gọt cạnh cái bàn lim”. Con dao ấy mong muốn được dòi những quyền cơ bản nhất của con người: được ăn, được ở. Phải thôi! Ở tù hắn còn có bạn, còn được đáp ứng những nhu cầu cơ bản thiết yếu của con người đó.

Với bản chất “gian hùng” của mình, cụ Bá nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hướng mũi dao ấy vào phía Đội Tảo – đối thủ của mình. Quả là “một mũi tên trúng hai đích”. Lúc này Đội Tảo đang đi vắng, đàn bà vẫn ưa chuộng hòa bình nên Chí nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ: đòi được cho cụ Bá món nợ 50 đồng. Vì thế, Chí “vênh mặt”, “hắn thấy oai thêm bậc nữa”: “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”.

Nếu Chí không đòi được món nợ này, cụ coi như mất. Nếu đòi được, vừa thỏa mãn được yêu cần của Chí, lại vừa đòi được món tiền tưởng như đã mất. Chí thấy mình được việc, thấy “oai”… Và sau đó là chuỗi ngày trượt dài trên con đường tha hóa: rạch mặt, ăn vạ, đâm thuê, chém mướn. Xã hội ấy – cái xã hội mà để có được những quyền lợi cơ bản của con người, Chí phải dùng đến dao búa, vũ lực. Mũi dao ấy đưa ra, tự vạch lên cuộc đời Chí hằng hà sa số những vết sẹo sau này.

Để xóa đi những “vết mảnh chai trên mặt”, Chí lại tiếp tục dùng đến dao. Không đòi tiền, ăn vạ, lần thứ ba Chí đến nhà cụ đòi một thứ thật lạ: “Quyền lương thiện”. Mạnh Tử từng nói: “Nhân chi, sơ tính bản thiện”: Con người sinh ra vốn đã có bản tính lương thiện. Vậy mà Chí phải thét lên thật đau đớn, xót xa: “Ai cho tao làm người lương thiện?”. Nhưng, cái khát vọng làm người lương thiện ấy lại còn bị cười nhạt, khinh rẻ, coi thường. Lúc này, cụ Bá không còn cái “gian xảo”, “mềm nắn rắn buông” hằng ngày. Còn lại trên chiếc võng kia chỉ là một người đàn ông chất chứa ghen tuông khi nghĩ về người vợ của mình bên đám trai trẻ. “Một người khi ghen thì khó mà bình tĩnh, khôn ngoan cho được”. Cách ứng xử của cụ khiến mâu thuẫn giai cấp (nông dân- địa chủ) và cái thất tình của kẻ say rượu như lên đến đỉnh điểm. “Biết không… Chỉ còn cái này… Biết không”. Hắn rút con dao ra đâm chết Bá Kiến – đâm chết cái người đã gây ra đau khổ cho đời mình. Cụ Bá gian xảo nhưng vẫn không thể thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” bởi “những vết mảnh chai trên mặt” kia không thể xoá đi, những tổn thương về thể xác, tinh thần của Chí và những người nông dân khác là không thể xoa dịu, hàn gắn.

Đau đớn hơn, Chí cũng dùng mũi dao đó để tự kết liễu cuộc đời mình. Người ta vẫn thường tranh cãi về cái kết của câu chuyện: Liệu giết được kẻ thù tội lỗi rồi, Chí có cần phải chết hay không? Đó là cái xã hội không có chỗ dung thân cho những người hiền lành, lương thiện. “Muốn mạnh thì phải là kẻ ác”. Mũi dao quay ngược về phía bản thân, tự đâm chính mình là một cách kết thúc chuỗi ngày đen tối. Biết đâu, sang một kiếp mới, Chí có thể trở thành người lương thiện đúng như ước mong. Mũi doa đó hoá kiếp. mở ra cho Chí ở một phương xa nào đó yên bình, vui vẻ hơn.

Nếu mũi dao trong lần thứ 2 Chí đến nhà cụ Bá với mong muốn được đáp ứng những nhu cầu thuộc về bản năng thì sang đến lần thứ 3, mũi dao đó vừa để trả thù giai cấp thống trị, vừa tạo nên bi kịch của giai cấp bị trị.

Với người nông dân, con dao là vũ khí tự vệ bản thân một cách hữu hình nhưng dưới bản chất của một tên gian hùng, Bá Kiến đã biến thành một con dao vô hình để trị các phe cánh, đối thủ của mình. Những người nông dân đến nhà cụ Bá, ai cũng phải xách theo một con dao. Con dao ấy biểu hiện mối quan hệ giai cấp nông dân, địa chủ như mang tính quy luật, mãi không được giải quyết triệt để. Muốn sống, muốn bảo vệ bản thân thì phải dùng đến vũ lực. Sự bất hoà giai cấp sâu sắc này đã được thể hiện thật chân thực, rõ nét qua hình tượng con dao dưới ngòi bút của nhà văn Nam Cao.

“Nếu truyện dài là một thân cây rườm rà thì truyện ngắn chỉ là một cành cây”. Giới hạn vô hình nhưng đấy nghiêm khắc này đòi hỏi các nhà văn phải tài năng, tinh tế biết nhường nào mới có thể nắm bắt được. Sê khốp từng nói: “Truyện ngắn hay không thể có những chi tiết vô bổ”. Hình tượng con dao nhỏ bé nhưng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần,, tạo nên cho tác phẩm những giá trị cốt lõi sâu sắc, thể hiện được giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Học sinh: Minh Hiền – 11D0 (2015 – 2016)

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2021-2022