293 lượt xem

”BÀI VIẾT CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC DÂN GIAN”- chuyên đề : Lời tỏ tình

Sau khi phát động cuộc thi viết chuyên đề văn học dân gian với 5 đề tài liên quan đến các thể loại: ca dao, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, thầy/cô tổ Ngữ văn đã chọn được 5 bài viết tốt nhất của tập thể 10D01, 10D02, 10D2.

Đây là những bài viết có sự đầu tư về thời gian, công sức. Tuy mới làm quen với kiểu bài nghị luận văn học của bậc THPT nhưng các em chứng tỏ có sức viết bền bỉ, dẫn chứng phong phú, so sánh mở rộng, liên hệ thực tế sinh động.

—————o0o—————–

Đề 3:

Những lời tỏ tình trong ca dao

Bài làm số 1 của Bùi Thanh Hiền 10D02

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói “Thật khó định nghĩa được tình yêu”. Để trả lời câu hỏi “Tình yêu là gì?” khó mà biết được. Chỉ biết rằng, được yêu! Một sự kiện quan trọng biết bao. Yêu càng trọng đại hơn nữa vì yêu trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn hoàn toàn thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao thượng, lớn lao. Nó thể hiện sự hài hòa, đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai cuộc đời riêng lẻ. Nhưng đâu phải đôi trai gái nào cũng đến được với tình yêu mà mình mong muốn. Mở đầu cho một cuộc tình luôn là những lời tỏ tình chân thành từ các chàng trai, đôi khi cũng là từ những cô gái. Nói vậy, nhưng tỏ tình đâu dễ, lời đầu luôn là lời khó nói nhất. Người dân Việt Nam xưa cần cù lao động vất vả là thế nhưng họ không kém phần tinh tế, nhạy cảm, bởi khi muốn bộc lộ tình cảm, nỗi lòng họ thường gửi gắm vào những lời thơ, giai điệu nhẹ nhàng. C.Mác có câu “Thơ ca là niềm vui cao cả nhất mà loài người đã tạo ra cho mình”. Để đến ngày hôm nay, chúng ta được thừa hưởng một kho tang ca dao về tình yêu đôi lứa, nhất là lời tỏ tình của những đôi trai gái đang tuổi thanh xuân vô cùng phong phú.

Nếu ca dao tình yêu chia thành năm mảng: tỏ tình, hờn giận, ghen tuông, cưới hỏi và tình nghĩa vợ chồng thì chùm ca dao tỏ tình chiếm 40%. Trong đó những lời tỏ tình trực tiếp bằng 1/3 lời tỏ tình gián tiếp. Có sự chênh lệch nhiều như vậy cũng bởi con người Việt Nam xưa nay rất hay thẹn thùng, ngượng nghịu, có mấy ai dám bày tỏ tình cảm trực tiếp với nửa kia. Họ thường mượn những hình ảnh giản dị, thân thuộc, gắn liền với cuộc sống của những người dân lao động như chiếc khăn, cái áo, dải yếm…Kết hợp với các mô típ: ước gì, cây cầu, trầu-cau, khoảng cách… để làm cái cớ gửi gắm nỗi niềm, tâm sự của mình. Đặc biệt các bài ca dao thường rất ngắn gồm: hai, bốn, sáu, tám câu. Về hình thức thì thanh thất, không gò ép, giản dị, tươi tắn. Các bài ca dao cũng hay sử dụng hình ảnh so sánh để làm cụ thể hóa các trìu tượng, làm cho lời thêm ý nhị, tình tứ, thắm thiết. Một số bài còn kết cấu theo thể: tỉ – phú- hứng. Trong các bài ca dao tỏ tình chủ thể thường là chàng trai với những ước nguyện được làm quen, gần gũi, kết duyên vợ chồng…Chúng ta hãy cùng đến với một số lời tỏ tình ấn tượng, ý nghĩa, không kém phần dí dỏm, dạt dào sức sống của các chàng trai,

“ Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà?

Aó anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp cho một thúng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm

Giúp cho đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo

Giúp cho quan tám tiền treo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”

Bài ca dao là lời tỏ tình của chàng trai với cô gái, mong muốn làm quen, nên duyên vợ chồng. 16 câu thơ lục bát là câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái đang thì cập kê. Mở đầu bài ca dao là khoảng không gian đình làng quen thuộc với hình ảnh bông hoa sen gần gũi. Trong khung cảnh ấy chàng trai đã bỏ quên cái áo trên cành hoa sen. Tại sao không phải là hoa súng hay bất kì một loài hoa nào khác? Hoa sen là biểu tượng của thẩm mĩ, cái đẹp, đôi khi hoa sen còn được cho là quốc hoa của dân tộc Việt:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Câu chuyện để quên cái áo phi lý ấy thực chất là cái cớ thông minh của chàng trai để bắt chuyện với cô gái. Sự thông minh, tinh tế của chàng trai còn thể hiện qua câu hỏi thăm dò để rồi tiện thể thắt buộc, lôi kéo cô gái vào câu chuyện tình yêu mà anh tự vẽ.

“Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà”

Vẫn là câu chuyện cái áo, nhưng lần này chàng trai kể cho cô gái về gia cảnh nhà anh: “vợ chưa có”

“Aó anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng”

Chiếc áo mà chàng trai bỏ quên không lành, nó đã bị sứt chỉ mà sứt chỉ nơi kín đáo, khó thấy: “đường tà”. Vậy chàng trai kể chuyện chiếc áo sứt chỉ ấy cho cô gái để làm gì? Liệu chàng trai muốn gợi lòng thương hại của cô gái với mình chăng? Nếu thế chỉ cần nói “Aó anh sứt chỉ đường tà” là được rồi, sao cần kể thêm “Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu”, câu chuyện này dường như đã bị thừa thông tin. Đúng! Nó thừa với chuyện chiếc áo, nhưng không hề thừa với ý định thổ lộ tình cảm, kết duyên của chàng “Aó anh sứt chỉ đã lâu”, không phải anh lười biếng không chịu khâu áo, mà anh chờ cô đến để khâu hộ anh, thể hiện chàng trai không phải là người dễ dãi, chỉ có “cô” và duy nhất là “cô” anh mới nhờ khâu hộ áo. Có điều chỉ khi yêu nhau, người ta mới gửi áo, gửi khăn.

“Yêu nhau cởi áo cho nhau

Vể nhà dối mẹ qua cầu gió bay”

Hình ảnh chiếc áo sứt chỉ là khoảng trống trong trái tim chàng trai, cần được cô gái lấp đầy. Cách xưng hô với đại từ phiếm chỉ “cô ấy” ám chỉ cô gái, giúp chàng trai trở nên tế nhị, nhẹ nhàng, tình cảm trước cô. Đến đây chắc hẳn cô gái cũng phần nào hiểu được ẩn ý của chàng trai, sự việc từ chỗ muốn bắt chuyện, làm quen, gần gũi, nhưng đó chưa phải là tất cả, mong muốn của chàng trai lớn hơn thế

“Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp cho năm thúng xôi vò

Ba con lợn béo một vò rượu tăm

Giúp cho đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo

Giúp cho quan tám tiền treo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”

Ước nguyện chính của chàng trai cuối cùng đã được bộc lộ. Anh muốn được nên duyên vợ chồng. Mach thơ chuyển từ tỏ tình sang cầu hôn. Những hình ảnh: “thúng xôi vò”, “con lợn béo”, “vò rượu tăm”…gợi lien tưởng đến lễ cưới, hạnh phúc trong mơ của chàng trai. Đứng trước lời tỏ tình đáng yêu như vậy, cô gái khó lòng mà từ chối. Chiếc áo bỏ quên là cái cớ hay rồi thì việc sử dụng miếng trầu làm vật se duyên cũng tinh tế không kém.

“Cho anh một miếng trầu vàng

Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm”

Chàng trai trong bài ca dao này tuy không được sâu sắc, dí dỏm, hài hước như anh chàng đã đề cập tới hình ảnh: “trầu vàng”. Mà trong phong tục của ngươi Việt Nam xưa miếng trầu là biểu tượng cho lời giao ước kết đôi.

“Trầu này trầu nghĩa trầu tình

Cho Loan lấy phượng cho mình lấy ta”

Xin một miếng trầu mà trả lại trả bằng đôi mâm. Đôi mâm ở đây là mâm cỗ. Chàng trai cố tình đề cập tới chuyện cưới hỏi. Lời tỏ tình qua bài ca dao này nghe thì thật lộ liễu nhưng nó thể hiện được tính cách chân thành bạo dạn của người con trai. Các chàng trai khi xưa sống tình cảm thế đáy, phái mạnh tưởng chừng như khô khan mà lại rất sâu lắng, trữ tình. Ở dân tộc thiểu số khác, người ta ví lời của người yêu như “Oanh vàng thơ thể”, như “dòng nươc mát”, những gì đẹp nhất, trong trẻo nhất. Các chàng trai người Dao lại hóm hỉnh vì người yêu như gà mái rừng

“Em như con gà mái rừng

Thoát ra lủi thủi ở bờ mương

Ta đã yêu nàng không sợ chết

Bán hết ruộng nương chẳng sợ bần”

Lời tỏ tình của các chàng trai tuyệt vời như thế đấy. Nhưng ai bảo con gái thì không được tỏ tình.

“Gặp nhau ăn một miếng trầu

Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng

Trầu này em chỉ có công

Từ vua đến chúa còn dùng nữa ta

Ngoài xanh trong trắng như ngà

Vua quan cũng trọng phật bà cũng yêu”

Đây là lời tỏ tình của cô gái với người mình yêu. Vẫn với mô típ trầu – cau, bài ca dao gợi cho ta lien tưởng về một câu chuyện tình lãng mạn. Mở đầu cô gái mời trầu chàng trai, miếng trầu ấy chan chứa biết bao tình cảm từ cô, chính miếng trầu đã rút ngắn khoảng cách giữa chàng và nàng. Ngay khi vừa mời trầu, chẳng cần anh đồng ý, cô đã cố tình bắt anh phải nhận miếng trầu, lôi kéo anh vào câu chuyện tình của mình. Chưa hết cô còn giới thiệu.

“Trầu này em chỉ có công

Từ vua đến chúa còn dùng đến ta”

Câu thơ 3, 4 gợi cho ta hình ảnh cô Tấm dịu hiền với đôi bàn tay khéo léo trên trầu cánh phượng cho nhà vua. Cô gái đã tự sánh trầu của mình là trầu ngon đến vua, chúa còn thích dùng huống gì anh.

“Ngoài xanh trong trắng như ngà

Vua quan cũng trọng, phật bà cũng yêu”

Đây là những cô gái không những đẹp người mà còn đẹp nết, đôi bàn tay khéo léo têm trầu, một tâm hồn trong sáng nhạy cảm, tinh tế khiến “vua quan cũng trọng, phật bà cũng yêu” thì cớ gì chàng trai từ chối. Cô gái ấy đã dũng cảm bày tỏ lòng mình rồi, thế mà còn có cô gái mạnh bao hơn nữa

“Ước gì em lấy được anh

Để ta trồng đậu trồng hành với nhau”

Các cô gái dù có dũng cảm đến đâu thì trong lời tỏ tình ấy cũng là những hình ảnh, sự vật được nhân hóa, ẩn dụ những cái cớ để bày tỏ tình cảm. Thế nhưng co gái trong bài ca dao: “Uớc gì em lấy được anh” lại đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo khó hiểu, cô thể hiện ước nguyện được cùng anh nên duyên vợ chồng. Trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa theo quan niệm về tình yêu và hôn nhân thì chàng trai luôn là người tỏ tình trước. Vậy mà cô gái trong bài ca dao trực tiếp thổ lộ tình cảm trước chàng trai, cô đã vượt qua rào cản của phong kiến dám sống cho mình, là chính mình. Việc được cùng “trồng đậu”, “trồng hành” với anh là ước nguyện cùng anh vun đắp hạnh phúc gia đình, cùng trải qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống. Điều ước của cô gái là chính đáng.

Qua những bài ca dao tỏ tình trong ca dao, ta nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của người bình dân Việt Nam, sống tình cảm, chân thành, ngay cả khi làm việc vất vả khó khăn thì họ cũng có tâm hồn của một thi sĩ. Mặt khác ta cũng cảm nhận được vẻ đẹp trong tình yêu đôi lứa, thật đáng yêu và cũng thật lãng mạn, ngọt ngào có, đắng cay cũng có. Khi yêu họ vượt qua mọi rào cản, khó khăn mà trao trọn tình cảm cho nhau. Khát vọng được yêu thương, được hạnh phúc của con người thì không lửa nóng tro tàn nào có thể hủy diệt nổi. Khát vọng ấy là muôn thủa, ở thời nào cũng vậy nhưng cách thể hiện nó lại là một chuyện khác (yêu không sai nhưng cách yêu chưa hẳn đã đúng)

Các bạn trẻ hiện nay khi tỏ tình họ thường nói thẳng lòng mình kèm theo đó là những lời nói hứa hẹn trên trời dưới biển với người kia. Đôi khi chỉ cẩn một câu nói rất nhanh gọn họ đã có thể đến được với nhau rồi. Cũng có những người không dám sống thật với mình khi luôn tìm đến những cuộc tình qua mạng xã hội mà người ta thường gọi là “yêu ảo”. Giới trẻ hiện nay đang chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài đặc biệt là các nước phương tây, họ trở nên thoáng hơn về quan niệm tình yêu lẫn hôn nhân. Định nghĩa tình yêu của họ ngày càng đơn giản hóa. Yêu là một trạng thái tự nhiên của con người không ai có quyền cấm cản được nó. Nhưng hãy yêu có văn hóa, để tình yêu trở nên đúng đắn, thiêng liêng thì ngay từ bước đầu con người hãy bộc lộ một cách chân thành nhất tình cảm của mình, vì tình yêu đâu có chỗ cho sự lừa dối.

———————————-

Bài làm số 2 của Nguyễn Minh Thu 10D2

  Nền văn học dân gian Việt Nam xưa và nay vốn nổi tiếng là phong phú và đa dạng về kho tang ca dao, tục ngữ. Trong đó, ta  không thể không nhắc đến những bài ca dao tỏ tình trong ca dao tình yêu bởi sự đồ sộ của nó. Ca dao vốn là tiếng đàn muôn điệu muôn màu, phản ánh muôn mặt đời sống tinh thần của nhân dân lao động ở nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và đặc biệt, ca dao còn thể hiện tinh thần lạc quan của nhân dân lao động trong xã hội phong kiến xưa. Những bài ca dao tỏ tình trong ca dao tình yêu thuộc thể loại thơ trữ tình dân gian, được kết hợp với lời và nhạc, diễn tả tình cảm, tâm trạng của các nhân vật trữ tình như những chàng trai, cô gái trong mối quan hệ bạn bè, tình yêu… Ca dao thường được viết bằng những lời ngắn gọn theo thể thơ lục bát hoặc biến thế với ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, phép lặp mang đậm sắc thái văn học dân gian Việt Nam.

Ca dao tỏ tình trong ca dao tình yêu có rất nhiều câu diễn tả tâm trạng khi yêu ở mọi hoàn cảnh, trang lứa, vùng miền, không phân biệt độ tuổi già trẻ hay giai cấp giàu nghèo nhưng nhắc đến nhiều nhất có lẽ là tình yêu của các cặp đôi đang yêu nhau mặn nồng, thắm thiết.

“ Cô kia đứng ở bên sống

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”

Chủ thể của bài ca dao trữ tình này là chàng trai nông thôn, muốn tỏ tìn với cô gái. Chàng trai mời cô sang chơi nhưng lại cố tình tỏ ra thờ ơ, muốn người ta sang nhưng lại đổ cho người ta muốn sang. Trớ trêu thay, họ lại cách xa nhau cả một dòng sông đến mức anh chàng này phải cất tiếng vọng sang bở bên kia, bởi khi yêu thì con người ta chỉ muốn được ở bên nhau, được thu gần khoảng cách đôi mắt, được rút ngắn cự ly trái tim đối phương. Anh gọi “cô kia” rồi tiếp lời ngay, không chờ lời đáp vì có lẽ anh sợ tiếng thổ lộ muốn được gần em sẽ bị trôi theo dòng nước, sợ tấm lòng chân thành của mình cũng sẽ như khoảng cách của hai người: bị chia rẽ thành đôi, sợ không thỏa ước muốn có em trong vòng tay. Chàng trai mượn cánh hồng để tỏ tình “Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”. “Cành hồng” là một hình ảnh rất đẹp, rất lãng mạn mà cũng thật tinh tế qua lỗi nói ẩn dụ. Chiếc cầu “cành hồng” này chính là nhịp cầu nối hai trái tim, là tượng trưng cho hành động, khát vọng táo bạo của chàng trai thời phong kiến xưa. Làm gì có cây cầu nào được làm từ cành hồng? Có lẽ chỉ có tình yêu, tấm lòng thủy chung chân thành mà nồng nàn của anh đối với cô gái mới kết tinh lại thành cầu mà thôi. Anh muốn “ngả cành hồng” để tỏ ý với cô mặc dù cơ hội khá mong manh và con đường phía trước mà gian nan phải đối mặt là vô cùng khó khăn, gian nan.

“Ước gì sông rộng một gang

Bắc cẩu dài yếm để chàng sang chơi”

“Ước gì anh hóa ra gương

Để cho em cứ ngày thường sang chơi”

“ Ước gì anh hóa ra cơi

Để cho em đựng cau tươi trầu vàng”

Đọc hai bài ca dao trên đây, chắc chắn ai cũng nhận ra điều đặc biệt là các bài ca dao đều bắt đầu bằng từ “Ước gì” cho ta thấy sự táo bạo, mãnh liệt của họ trong tình yêu đôi lứa nhưng ở trong hoàn cảnh xã hội phong kiến cũ, tình yêu ấy không được phép bộc lộ. Họ bị ngăn cản bởi sự hà khắc của chế độ phong kiến qua những tập tục cổ hủ mà họ không đến được với nhau, chỉ dám thầm thương trộm nhớ nhau. Khát vọng ấy, họ đành phải gửi vào những lời ca hoặc tìm những cái cớ chính đáng để tỏ tình, giao duyên và đó là sự mượn cớ hết sức tế nhị và tinh tế.

Trong xã hội phong kiến ngày xưa, những đôi trai gái yêu nhau không thể bộc lộ tình cảm mình một cách trực tiếp mà họ phải sử dụng những hình ảnh nói bóng nói gió để bộc lộ tâm tư của mình. Các nhân vật trữ tình trong các bài ca dao trên cũng vậy. Dải yếm ngày xưa là một nhân vật bất li thân gắn liền với người con gái. Nhắc tới dải yếm là nhắc tới trang phục mềm thắt che ngực người phu nữ trong xã hội xưa và đặc biệt, dải yếm chính là biểu hiện của sự nữ tính. Chính vì vậy, cây “cầu dải yếm” này đã thể hiện sự dịu dàng, đằm thắm, duyên dáng và nữ tính của người con gái. Theo lẽ thường, khi yêu con trai phải chủ động trước nhưng trong bài ca dao này, người con gái lại chủ động tỏ tình trước để rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa hai người. Hình ảnh cây cầu dải yếm này nói lên tâm trạng của con gái là sẵn sàng chào đón chàng trai chứ không quan tâm tới sông rộng hay sông dài. Tình yêu trong xã hội phong kiến hà khắc đã làm tan vỡ, chia ly biết bao chuyện tình nhưng trong bài ca dao này, tình yêu của họ lại rất mãnh liệt và táo bạo bởi hình ảnh “chiếc cầu dải yếm” là hình ảnh không có thực mà đó chỉ là chiếc cầu của tình yêu, của người con gái thể hiện khát vọng yêu thương, chứng minh cho ta thấy hình ảnh chiếc cầu chỉ là biểu tượng, là nơi hẹn hò, gặp gỡ của hai người họ: chàng trai với cô gá. Người con gái chủ động trong tình yêu nhưng vẫn luôn trữ tình, ý tứ. Con sông không có thực, cái cầu lại càng ảo hơn. Tuy cả hai vật không có thực nhưng chúng đều thể hiện ước muốn mãnh liệt, táo bạo dũng cảm trong tình yêu đôi lứa, muốn dùng những sự vật gần gũi, thân thiết nhất để bắc cầu tình yêu, cùng nhau đi tới cuối con đường.

Tiếp nối điệp khúc “Ước gì”, giờ nỗi niềm lại quay về đặt vào lời tự nhủ của chàng trai. Chàng  cũng bộc lộ niềm mong mỏi giấu kín trong lòng, nay lại tang thêm một bậc ý nghĩa cao hơn và mang tính gắn bó hơn so với lời ngỏ trên kia, khi mà anh thốt ra những lời nói từ đáy lòng. Vẫn là biện pháp nghệ thuật ẩn dụ sử dụng xuyên suốt các bài trên nhưng lại biến hóa đầy độc đáo với hình ảnh chiếc gương. Chàng trai không còn rụt rè, tế nhị, kín đáo nữa, tuy nhiên không mất đi sự tinh tế, khéo léo, kết hợp với nét táo bạo. Chàng trai ngỏ ý muốn hóa thành gương để được bên người mình thương cả ngày. Chàng trai muốn bóng hình cô gái mãi mãi ở trong lòng mình, trong trái tim mình. Mong ước của anh thật giản dị và chân thành, sâu lắng trong niềm hạnh phúc được ở gần người anh yêu. Nhưng anh lại lo sợ vẩn vơ, lo sợ cô gái soi mình trong gương sẽ thấy gương mặt buồn tủi, u sầu vì nỗi lòng xa cách của mình, làm con tim anh thắt lại đau đớn. Và một lần nữa, anh lại tiếp tục lặp lại điệp từ “Ước gì”

“Ước gì anh hóa ra cơi

Để cho em đựng cau tươi trầu vàng”

Trầu cau là hình ảnh tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa. Tập tục ăn trầu để “môi đỏ, răng đen” từ lâu đã gắn bó mật thiết với dân tộc Việt Nam từ trước khi sự tích trầu cau ra đời và trở thành nét đặc trưng đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay nói chung. Người ta thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” là biểu tượng của sự kết tóc se duyên, của sự sum họp tình yêu đôi lứa tự muôn đời. Trầu ngày xưa là thức ăn tao nhã dành riêng cho người phụ nữ nên “cơi” có thể được coi là món “trang sức” luôn kề bên họ. Đồng thời cũng là mơ ước muốn được gần gũi, được em nâng niu cất giữ. Bằng việc sử dụng hình tượng thiêng liêng, cao quý không thể thiếu trong các lễ cưới được chắt lọc từ chính cuộc sống bình dị, tác giả dân gian đang ngầm giúp chàng trai thổ lộ ước mong là được cưới cô gái, đươc ở bên cô trọn kiếp. Mặc dù câu ca dao này được hiểu theo nhiều nghĩa nhưng dù được hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa thì tâm nguyện ở bài ca dao thứ 3 này cũng thuộc mức cao nhất trong việc bộc lộ khát khao yêu thương của các nhân vật trữ tình. Mặc dù hình ảnh ẩn dụ trong từng bài mang những nét đặc sắc riêng biệt nhưng nhìn chung thì các bài đều mang thể thơ lục bát, có nhịp điệu, lời ca nhẹ nhàng, rất phù hợp cho việc bày tỏ, thổ lộ tâm tư tình cảm, với lời bày tỏ kín đáo, tế nhị mà chan hòa, dề hiểu, dễ đi sâu vào lòng người, mang đậm bản sắc văn hóa văn học dân gian.

Trai gái khi xưa lúc tỏ tình có chút táo bạo, mãnh liệt nhưng không vì thế mà mất đi sự tế nhị, ý tứ với đối phương, làm cho ta cảm thấy mình như “rung động” thì ngày nay, giới trẻ lại tỏ tình… khá tệ và thường bị đối phương thẳng thừng từ chối hoặc yêu cầu cần “suy nghĩ kĩ” trước khi đưa ra câu trả lời. Vì sao lại như vậy? Lý do gì mà giới trẻ Việt Nam ngày nay lại bị coi là tỏ tình “tệ”, thiếu lịch sự, không có văn hóa? Trong một vài bài báo gần đây, có một vài bài đề cập tới chuyện bạn trẻ “đua” nhau tỏ tình, ngỏ lời muốn đối phương làm người yêu. Có một điều rất lạ là quá trình chuẩn bị tỏ tình, lúc bày tỏ của hầu hết những bạn này đều được đã được quay lại thành clip và sau đó vài tiếng thì được đăng lên mạng. Những cái clip này được chia sẻ một cách chóng mặt và cũng đồng thời nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía các bạn trẻ. Với tôi, tỏ tình không xấu, nhưng quay clip lại để níu giữ làm “kỉ niệm”, tôi thấy bình thường nhưng liệu hành động đăng lên mạng rồi chia sẻ một cách tràn lan có hay hay không? Những bình luận dưới clip có rất nhiều ý kiến khen chê nhưng chủ yếu là ủng hộ, khen là làm công phu, đẹp…này nọ.Tôi không quan tâm những ý kiến của đại đa số mọi người, những lời bán tán của họ, tôi chỉ muốn đánh giá, nhận xét, góp ý vấn đề này theo một chiều khác khách quan hơn. Tôi thấy các bạn đang biến việc tỏ tình trở nên xấu trong mắt những người khác (đặc biệt là người lớn, những người già) và khiến họ nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác mà họ cho là “tệ”. Với giới trẻ chúng ta, thế là tốt, thế là ổn nhưng với những người lớn tuổi thì việc đó không tốt, là không ổn. Vì những lời nói, hành động có phần hơi quá “lố lăng”, thiếu văn hóa nên người ngoài nhìn vào thấy việc các bạn tỏ tình là rất “tệ”. Có lẽ, các bạn nên đọc sách nhiều hơn để cải thiện ngôn từ, lời nói, hành động của mình thay vì xem các bộ phim tình cảm rồi học tập làm theo. Trên phim ảnh và ngoài đời thực là hai khái niệm, hai thế giới, hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, các bạn không nên áp cái thứ không có vào đời sống hiện thực vì nó quá ảo, quá hư ảo, lại rất khó thực hiện, kèm theo đó là một loạt các loại phí kèm theo để thực hiện. Thật tố kém và phí thời gian công sức biết bao! Và khi chúng ta nhắc đến vấn đề tiền, ta lại nói đến kiểu yêu “tình nào tiền nấy” của giới trẻ, gây rắc rối, phiền lòng cho bao chàng trai, cô gái trot đặt nhầm tình cảm của mình cho một người “đào mỏ”

Còn rất nhiều vấn đề khác nữa của giới trẻ trong chuyện yêu đương và tình trạng đáng lo ngại lên mức “báo động đỏ” như hiện nay, thì thật không thể hình dung nổi tương lai đất nước này sẽ đi đến đâu. Qủa là khó để nói trước được tương lai nhưng tôi thực sự hy vọng suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam nên thay đổi theo một chiều hướng khác phù hợp hơn, lịch sự hơn, đúng cách nhìn về phong tục tập quán của Việt Nam.

(Xem tiếp đề và bài viết số 4)

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2021-2022